Giỏ hàng

THỰC PHẨM CHỨC NĂNG: HIỂU ĐÚNG, DÙNG AN TOÀN

Theo bác sĩ Chuyên khoa 1 Ngô Hữu Lộc, cố vấn chuyên môn hệ thống nhà thuốc Phano Pharmacy: "Chúng ta không phủ nhận vai trò của thực phẩm chức năng. Tuy nhiên để nó hợp lý, bên cạnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, đúng mức. Tùy theo cơ địa và bệnh tật từng người (nếu có) nên cần sự tư vấn trực tiếp của bác sĩ và dược sĩ của bạn".

Thực phẩm chức năng (TPCN) là nhóm sản phẩm được quan tâm nhiều gần đây. Khi đời sống ngày càng nâng cao, nhiều người có mong muốn đầu tư cải thiện sức khỏe tối  đa. Thực phẩm chức năng không chỉ được dùng để cải thiện cho cá nhân mà còn được mua làm quà  sức khỏe biếu dịp Tết.

Hãy cùng Phano Pharmacy trao đổi với bác sĩ Chuyên khoa 1 Ngô Hữu Lộc, cố vấn chuyên môn hệ thống nhà thuốc Phano Pharmacy, về cách chọn mua và sử dụng đúng nhóm TPCN để đảm bảo an toàn, hiệu quả nhé!

*Xin chào bác sĩ Ngô Hữu Lộc, trước khi tìm hiểu về cách lựa chọn và sử dụng TPCN an toàn, xin bác sĩ cho biết, định nghĩa chính xác về thực phẩm chức năng và lợi ích của chúng là gì?

Bác sĩ Hữu Lộc: Hiện có khá nhiều định nghĩa về thực phẩm chức năng (TPCN), riêng theo bộ y tế Việt Nam (Thông tư Hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng):

“Thực phẩm chức năng (Functional Food) là sản phẩm hỗ trợ các chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ gây bệnh”.

Theo đó, TPCN được chia làm 04 loại chính như sau:

1. Thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.

2. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng và các dạng chế biến. Nhóm này có chứa một hoặc hỗn hợp của các chất sau đây: Vitamin, khoáng chất, axit amin; axit béo, enzym; probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác; Hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ động vật; chất khoáng và nguồn gốc thực vật ở các dạng như chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.

3. Thực phẩm dinh dưỡng y học: Còn gọi là thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt (Food for Special Medical Purposes, Medical Food). Loại thực phẩm này có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông; được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

4. Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt: Dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác.

Theo quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (CODEX), thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt là những thực phẩm được chế biến hoặc được phối trộn theo công thức đặc biệt. Nhằm đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo thể trạng hoặc theo tình trạng bệnh lý và các rối loạn cụ thể của người sử dụng. Thành phần của thực phẩm này phải khác biệt rõ rệt với thành phần của những thực phẩm thông thường cùng bản chất (nếu có).

Thực phẩm chức năng là gi? Thực phẩm chức năng có tốt không? Lợi ích là gì?

*Thưa bác sĩ, với những tác dụng nhất định đến sức khỏe như vậy thì cần lưu ý khi chọn mua TPCN?

Bác sĩ Hữu Lộc: Tùy thuộc vào nhu cầu hoặc trình trạng sức khỏe của bản thân, sau khi khám sức khỏe mà bạn có thể dùng một trong những loại thực phẩm chức năng sau đây:

  • Phòng chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ;
  • Tăng sức đề kháng, cải thiện sức khỏe;
  • Hỗ trợ làm đẹp;
  • Hỗ trợ phòng chống và điều trị bệnh tật;

Sản phẩm TPCN được sản xuất ở hầu hết các nước trên thế giới, trở thành không thể thiếu đối với sức khỏe con người. Đây chính là xu hướng hiện đại trong việc chủ động chăm sóc sức khỏe cá nhân. Tuy nhiên, để chọn được sản phẩm phù hợp: bạn nên cân nhắc, có cần dùng hay không? Bạn nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ hay Dược sĩ của bạn về trình trạng sức khỏe, lối sống và nhu cầu của bạn. Nếu cần dùng TPCN, bạn nên nhận định thực phẩm chức năng mình chọn có độ tin cậy hay không về xuất xứ, vận chuyển, bảo quản và giá cả thị trường.

*Về liều lượng và cách dùng, người sử dụng cần lưu ý những gì để bổ sung TPCN một cách an toàn nhất, thưa bác sĩ? 

Bác sĩ Hữu Lộc: Nhìn chung các loại thuốc, kể cả thuốc bổ nên được dùng với liều thấp nhất và có thời gian ngắn nhất. Bạn chỉ nên dùng thực phẩm chức năng khi thấy nó thật sự cần thiết cho cơ thể, tránh lạm dụng hay nghĩ càng dùng nhiều loại TPCN càng tốt. Vì việc này có nguy cơ gây ngộ độc, dị ứng, tương tác bất lợi với nhau hay với thuốc mà bạn đang dùng, nếu như bạn không biết rõ về TPCN.

Nhờ vậy, bạn sẽ không bị phụ thuộc quá nhiều vào thuốc. Thay vào đó bạn có thể tập trung vào việc thay đổi lối sống, bao gồm cả chế độ ăn uống lành mạnh giúp bổ sung những dưỡng chất còn thiếu cho cơ thể.

Khi bạn muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm nào, nên đọc kỹ liều lượng và hướng dẫn sử dụng của thuốc.Các sản phẩm đa phần có khuyến cáo thời gian sử dụng nên kéo dài bao lâu. Nếu như thông tin này không rõ, bạn nên tham khảo ý kiến Bác sĩ hoặc Dược sĩ. Thực phẩm chức năng thường được bổ sung trong hoặc ngay sau bữa, trừ một số loại thuốc khuyến cáo người bệnh dùng lúc đói.

Bác sĩ khuyên bạn nên hỏi những điều này khi đi khám bệnh | Sức khỏe |  Thanh Niên

*Như bác sĩ đã chia sẻ, xin bác sĩ hãy thông tin thêm về những nguy cơ ngộ độc, dị ứng và các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng TPCN sai cách? 

Bác sĩ Hữu Lộc: Một số tác hại khi tự ý sử dụng TPCN hay lạm dụng, có thể kể đến, đầu tiên là dị ứng (ngứa, phát ban, khó thở do sốc phản vệ,..) hoặc không dung nạp (tiêu chảy, ói mữa,..) với sản phẩm đó. Việc dùng với liều lượng cao, có thể gây phản ứng phụ. Ví dụ như quá nhiều vitamin A có thể gây ngộ độc với biểu hiện như buồn nôn, nôn mữa, vàng da, chứng biếng ăn, nhìn mờ, đau đầu, tổn thương cơ, uể oải…. Quá nhiều chất sắt có thể gây táo bón, sắt ứ đọng trong gan và lách gây tổn thương gan, lách,…Vì vậy khi bạn dùng bất kỳ thực phẩm chức năng nào đó, cảm thấy có đấu hiệu khác thường nên ngưng lại.

Chưa kể đến có thể gây tương tác bất lợi cho các thuốc mà bạn đang dùng, ví dụ:

– Ginkgo (thảo dược giúp tăng cường tuần hoàn não, khôi phục trí nhớ ở người cao tuổi) và rabeprazole (thuốc ức chế bơm proton: điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng) có thể giảm hiệu quả điều trị của thuốc.

-Lá Ginkor Biloba với Aspirin có thể gây xuất huyết tiền phòng

-St John’s wort – thảo dược được sử dụng nhiều nhất để hỗ trợ điều trị trầm cảm, và các tình trạng liên quan, chẳng hạn như lo lắng, khó ngủ…gây giảm hiệu quả của thuốc điều trị của một số thuốc như ciclosporin (là một loại thuốc ức chế miễn dịch), indinavir (được sử dụng với các loại thuốc HIV khác để giúp kiểm soát HIV), ethynylestradiol (được sử dụng rộng rãi trong thuốc tránh thai)….

*Nhiều người quan niệm, những người lớn tuổi hoặc đang ăn kiêng (mục đích giảm cân hoặc có bệnh lý) thì nên bổ sung thêm TPCN (cụ thể như chất đạm, vitamin cần thiết) để ăn ít hơn mà vẫn đủ chất. Theo bác sĩ, vậy TPCN có thể thay thế dinh dưỡng từ bữa ăn hàng ngày hay không?

Bác sĩ Hữu Lộc: Dinh dưỡng từ bữa ăn hằng ngày vẫn là trụ cột chính, không thể thay thế hoàn toàn bằng thực phẩm chức năng được, trừ một số trường hợp và bệnh lý đặc biệt mới cần đến nó kéo dài, như nuôi qua sonde dạ dày cho bệnh nặng hoặc phẩu thuật,… không thể tự ăn uống được.

Chưa có sản phẩm nào hoàn hảo, việc ăn uống hằng ngày nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Việc khám phá hương vị, cách sáng tạo, kỹ năng chế biến từng món ăn, việc ăn uống với các thực phẩm được chọn lọc hằng ngày mang đến sự thư giản, sự chia sẽ tình cảm cho gia đình qua bữa ăn…Bạn nghĩ ra sao nếu chứng ta quá phụ thuộc vào những gói đựng thức ăn chế biến sẵn? Mặc dù rất là tiện dụng!

Thực phẩm chức năng: 3 điều cơ bản cần nắm rõ

*Như vậy, dù có những lợi ích nhất định đến sức khỏe, chúng ta vẫn nên cân nhắc khi sử dụng và không lạm dụng thay thế bữa ăn hàng ngày. Xin bác sĩ hãy gửi một lời khuyên đến độc giả về phương pháp giữ gìn sức khỏe đúng cách, tránh lạm dụng TPCN nhé?

Bác sĩ Hữu Lộc: Chúng ta không phủ nhận vai trò của thực phẩm chức năng. Tuy nhiên để sử dụng chúng hợp lý (về mặt tác dụng và chi phí phù hợp), ngoài chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, đúng mức, tùy theo cơ địa và bệnh tật từng người (nếu có) thì cần có sự tư vấn trực tiếp của Bác sĩ và Dược sĩ của bạn.

*Xin cảm ơn những thông tin rất hữu ích từ bác sĩ Ngô Hữu Lộc! 

 

Facebook Youtube Zalo Top