Giỏ hàng

Bệnh xương khớp thường gặp ở tuổi trung niên

Tuổi trung niên là lúc cơ thể bắt đầu biểu hiện rõ sự lão hóa. Đau khớp, cơ thể kém linh hoạt là tình trạng thường gặp ở độ tuổi này. Đây cũng chính là biểu hiện của các bệnh lý cơ xương khớp. Phổ biến nhất là bệnh thoái hóa khớp và loãng xương.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng "già đi" của các mô vùng khớp khiến các sụn khớp trở nên thô ráp. Những khớp xương này có vai trò giúp cơ thể vận động trơn tru hơn. Lớp sụn ở khớp xương có chức năng làm cho xương chuyển động êm ái dưới tác dụng bôi trơn của dịch nhày. Bệnh làm xương tổn thương và gây đau cho người bệnh. Thoái hóa khớp thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới, đặc biệt ở giai đoạn mãn kinh.

Nguyên nhân thoái hóa khớp

  1. Sụn khớp bị lão hóa làm mất đi tính đàn hồi và khô cứng. Vì vậy, khi hoạt động đầu xương sẽ gây hoại tử sụn ở những vùng chịu áp lực lớn.

  2. Tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc thoái hóa khớp càng cao. Phụ nữ sẽ dễ mắc ở tuổi từ 45, phổ biến là trên 65 tuổi.

  3. Con cái cũng sẽ thừa hưởng cấu tạo sụn và sự lão hóa sớm từ cha mẹ. Nếu cha mẹ bị thoái hóa khớp thì con cái có nguy cơ mắc cao hơn.

  4. Nguyên nhân thứ phát do tai nạn lao động; béo phì; chích corticoid vào khớp...

Dấu hiệu và triệu chứng

Bệnh nhân thoái hóa khớp thường thấy đau khi vận động. Cơn đau xảy ra ở các khớp chịu lực: khớp gối, cổ chân, cột sống (ngang thắt lưng), cột sống cổ (vai, gáy) Cảm giác đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi. Những cơn đau thường âm ỉ, tăng từng đợt nếu vận động sai tư thế, mang vác nặng. Các cơn đau này tái đi tái lại. Bệnh nhân sẽ cảm thấy cứng khớp vào buổi sáng hoặc nghe tiếng lạo xạo khi vận động. Thoái hóa khớp cũng có thể gây biến dạng khớp, cột sống như: vẹo lưng; gù...

Loãng xương

Loãng xương là một trong số những biểu hiện của quá trình lão hóa cơ thể. Bệnh khiến cho xương bị giòn, mỏng và dễ gãy. Đây là bệnh lý của toàn hệ thống xương, làm yếu khung xương.

Nguyên nhân loãng xương

  1. Phụ nữ sau sinh nở, mãn  kinh hoặc gặp bệnh lý về rối loạn hoocmon estrogen dễ bị loãng xương.

  2. Loãng xương là một trong những dấu hiệu lão hóa, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao.

  3. Thể chất có khung xương bé cũng dễ bị loãng xương.

  4. Gia đình có người từng bị gãy xương do loãng xương cũng sẽ di truyền cho người thân.

  5. Mắc các bệnh về các bệnh viêm khớp hệ thống sử dụng thuốc nhóm corticosteroids dài ngày, bệnh gan mạn, bệnh thận mạn, bệnh tuyến giáp.

  6. Chế độ dinh dưỡng, lối sống kém lành mạnh khiến hệ miễn dịch kém, cơ thể mau "già".

Dấu hiệu loãng xương

Bệnh loãng xương diễn biến từ từ và thầm lặng, không triệu chứng. Người bị loãng xương thường không biết mình bị bệnh, cho đến khi bị biến chứng gãy xương. Gãy xương do loãng xương thường gặp nhất ở cổ tay, đốt sống và cổ xương đùi. Vì vậy, bệnh nhân gần như hạn chế khả năng lao động, gia tăng các bệnh béo phì, tim mạch...do không thể tập thể dục.

Loãng xương cũng có mối liên hệ với thoái hóa khớp. Suy giảm mật độ xương và loãng xương làm cho xương xốp giòn, mất điểm tựa cho sụn khớp. Mặt khớp không còn bằng phẳng trơn láng, khiến thoái hóa khớp nặng hơn. Như vậy, phòng tránh loãng xương cũng chính là phòng thoái hóa khớp.

Phòng tránh và điều trị bệnh xương khớp

Để phòng tránh bệnh xương khớp, cần có một chế độ ăn uống và vận động hợp lý. Chế độ ăn được khuyến khích là giàu canxi, vitamin D, rau lá xanh; hạn chế hoàn toàn rượu bia, chất kích thích, thuốc lá. Nếu ăn uống không cung cấp đủ, bạn có thể dùng viên uống bổ sung canxi và vitamin D. Liều lượng viên uống cần theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tập thể dục thường xuyên cũng có vai trò rất quan trọng phòng bệnh xương khớp. Tập luyện giúp xương khỏe mạnh và tăng sức mạnh cơ bắp, sự cân bằng cơ thể. Tuy nhiên, việc tập luyện cũng nên vừa sức và thường xuyên, không nên tập quá sức có thể phản tác dụng. Tập thể dục cũng giúp duy trì cân nặng ổn định, giảm áp lực lên xương khớp.

Dinh dưỡng cho người mắc bệnh khớp

Nếu đã mắc bệnh xương khớp, bạn cũng cần thay đổi chế độ ăn để bổ sung dinh dưỡng cho xương khớp. Theo khuyến cáo từ Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, người gặp vấn đề xương khớp cần lưu ý bổ sung các chất sau đây: Axít béo omega-3; omega-6 GLA Vitamin C, D, E Chất beta-carotene (tiền vitamin A); Canxi.

Axít béo omega-3 có tác dụng ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch gây ra chứng viêm khớp, làm giảm hẳn các triệu chứng viêm đau khớp. Axít béo omega-6 GLA (acid gamma-linolenic) có tác dụng ức chế sự sản sinh ra prostaglandin gây viêm. Hai loại axit béo tốt này có thể bổ sung bằng các loại cá béo: cá thu, cá ngừ, các trích, cá mòi, cá trống, cá hồi, tôm, cua, tảo, sinh vật phù du; dầu thực vật..Các vitamin C, D, E và beta-carotene (tiền vitamin A) là nhóm chất chống oxy hóa, có thể giúp phòng tránh được một số dạng viêm khớp. Để bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ các vitamin nói trên, người bệnh cần ăn nhiều rau tươi và trái cây chín.

Nguồn tổng hợp:

Cẩm nang Lời khuyên đúng Phano Pharmacy "Sức khỏe tuổi trung niên" 

Website bệnh viện Nguyễn Tri Phương 

Trang thông tin điện tử Viện Dinh Dưỡng Quốc gia

 


“Phano Pharmacy – Lời khuyên đúng”

Đúng thuốc – Đúng liều – Đúng cách

Dược sĩ tư vấn thuốc: 1800 6768

Mua hàng trực tuyến: http://phanolink.com

Đăng ký hội viên: https://phanolink.com/dang-ky-hoi-vien/

 

Facebook Youtube Zalo Top