Giỏ hàng

MẸO TĂNG ĐỀ KHÁNG CHO NGƯỜI GIÀ PHÒNG NGỪA DỊCH BỆNH VIRUS CORONA

Người già với sức đề kháng kém là đối tượng có nguy cơ cao trong dịch viêm đường hô hấp do virus corona. Theo số liệu tính đến sáng 10/2, số người tử vong trên thế giới vì dịch viêm phổi cấp do virus corona là 910, số ca nhiễm bệnh là 40.553. Thông tin sơ bộ do phía Trung Quốc cung cấp về những trường hợp tử vong ở Vũ Hán, phần lớn các ca là người già trên 60 tuổi và đã có những bệnh khác trong người, đó là những người có khả năng miễn dịch tương đối thấp và sức đề kháng kém.

Dưới đây là những khuyến cáo của các bác sĩ nhằm giúp người cao tuổi tăng sức đề kháng, không chỉ phòng chống dịch bệnh do virus corona nói riêng mà còn giúp cơ thể khỏe mạnh, vui vẻ, tránh xa nhiều loại bệnh tật khác.

Vận động nhẹ nhàng

Ở người cao tuổi, các bộ phận bắt đầu lão hóa, dẫn đến việc cơ thể luôn mệt mỏi, không thích vận động. Tuy nhiên, tập luyện đều đặn sẽ giúp duy trì sự nhanh nhẹn, dẻo dai, khiến quá trình lão hóa chậm lại và tăng sức đề kháng, tăng khả năng phòng chống các dịch bệnh.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, thời gian tập luyện trung bình của người về hưu là 150-300 phút một tuần. Người lớn tuổi nên chọn những loại hình tập luyện nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân, ví dụ thể dục dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe đạp với tốc độ chậm, bơi nhẹ nhàng. Các hoạt động này chỉ nên kéo dài tối đa 45 phút và cách giờ đi ngủ tối thiểu là 3 tiếng đồng hồ để đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi.

Tạo thói quen lành mạnh

Lối sống lạc quan, vui vẻ, ăn ngủ, tập luyện điều độ giúp cơ thể người lớn tuổi luôn trong trạng thái được thư giãn, định tâm. Đây cũng là cách tăng sức đề kháng hiệu quả.

Ngủ đủ giấc khiến hệ thống miễn dịch mạnh hơn, giúp cơ thể dễ dàng chống lại virus hơn. Giấc ngủ còn giúp cải thiện trí nhớ và sự tập trung. Người lớn tuổi nên đặt mục tiêu ngủ 7,5-9 tiếng đồng hồ mỗi đêm. Với những người dậy sớm buổi sáng, thì nên đi ngủ sớm. Nếu khó ngủ, nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, có thể là do ban ngày không vận động, dinh dưỡng không phù hợp hoặc mắc hội chứng y tế nào đó.

Bậc cao niên không nên hút thuốc lá, uống bia rượu, khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ những thay đổi trong sức khỏe của mình. Đừng quên tiêm vắcxin ngừa bệnh cúm và bệnh viêm phổi. Đây cũng là cách tăng khả năng phòng bệnh.

Nhiều người thường có thói quen tích đồ cũ không sử dụng đến trong nhà. Đây là điều không nên làm vì sống ngăn nắp, sạch sẽ, làm sạch môi trường sống, rửa tay thường xuyên và trước khi ăn cũng là một cách để giữ sức khỏe. Đặc biệt ở thời điểm dịch bệnh do virus corona, việc rửa tay càng cần thiết. Các chuyên gia y tế khuyến cáo rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, xoa mọi phần của bàn tay. Ngoài ra, có thể dùng chất khử trùng tay kháng khuẩn. Tránh chạm tay vào mắt mũi miệng.

Chế độ ăn uống phù hợp

Về già, nhu cầu năng lượng thấp hơn thời còn trẻ do đã giảm các hoạt động thể lực và giảm chuyển hóa cơ bản. Theo Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng NutiFood, nhu cầu năng lượng với nam giới từ 50-70 tuổi vào khoảng 2.000-2.200 kcal một ngày và nữ giới khoảng 1.700 -1.800 kcal một ngày. Với người trên 70 tuổi nhu cầu năng lượng còn giảm hơn.

Ở người cao tuổi, các hoạt động của cơ quan tiêu hóa đều giảm. Vì thế, chia nhỏ các bữa ăn là một cách làm phù hợp để cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong ngày. Người cao tuổi nên có thêm từ một đến hai bữa phụ, bên cạnh ba bữa ăn chính. Các bữa ăn cần cung cấp đầy đủ bốn nhóm chất dinh dưỡng cơ bản là đạm, đường bột, béo, vitamin và khoáng chất với lượng hợp lý, cần nhiều chất xơ và protein.

Bữa tối không nên ăn nhiều, cách xa giờ đi ngủ. Trước giờ ngủ khoảng một tiếng đồng hồ, có thể uống một ly sữa ấm để tăng sức đề kháng, giấc ngủ thêm sâu.

Người lớn tuổi cần lượng protein cao để duy trì khối cơ, xương và làm lành các tổn thương tế bào do quá trình lão hóa gây ra, cứ một kg cân nặng cần khoảng 1,0-1,2 gram protein. Lưu ý, nên chọn các loại đạm dễ tiêu hóa và hấp thu, nên ăn cá nhiều hơn thịt, hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến sẵn.

Cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng

Ưu tiên ăn rau xanh, trái cây để bù đắp lại hệ tiêu hóa đã lão hóa. Hạn chế muối. Đường nên dùng dưới 20g một ngày. Cần uống đủ nước (1,5-2 lít một ngày).

Chất béo trong chế độ ăn nên duy trì ở mức 20-25% năng lượng. Người lớn tuổi không cần thiết kiêng khem chất béo quá mức vì chất béo giúp hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, E. Ưu tiên chọn chất béo chưa bão hòa.

Vitamin và khoáng chất tuy chỉ chiếm một lượng nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của cơ thể, đặc biệt là quá trình tăng sức đề kháng cho người cao tuổi. Vitamin A (có nhiều trong các củ quả màu đỏ) cần thiết với hoạt động của hệ miễn dịch. Vitamin E (có trong quả bơ, bông cải xanh, dầu thực vật...) làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim. Magie và kẽm (có trong các loại đậu, hạt ngũ cốc...) có thể phòng chống suy nhược, giúp ăn ngon ngủ sâu, tăng cường miễn dịch. Canxi và vitamin D (có trong cua, tôm, trứng, các sản phẩm từ sữa...) giúp hệ xương chắc khỏe và làm chậm quá trình mất xương ở người lớn tuổi....

Theo VNExpress

 

Facebook Youtube Zalo Top