Giỏ hàng

Bệnh tiêu hóa thường gặp và lời khuyên từ chuyên gia

Hệ tiêu hóa giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thực phẩm; chuyển hóa dinh dưỡng đi vào cơ thể và bài tiết chất thải. Nguyên nhân dẫn đến  các bệnh tiêu hóa là cách ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Một số bệnh tiêu hóa phổ biến có thể kể đến: đau dạ dày, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy...Lời khuyên để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh chính là dinh dưỡng và lối sống lành mạnh.

Nguyên nhân gây bệnh tiêu hóa

Hệ tiêu hóa được tạo bởi ống tiêu hóa; tuyến nước bọt; gan; túi mật và tuyến tụy. Ống tiêu hóa là một hệ thống ống dài nối thông nhau: miệng; thực quản; dạ dày; ruột non; ruột già; trực tràng và hậu môn. Ống tiêu hóa giữ vai trò phân cắt và phân giải thức ăn thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể và bài tiết chất thải. Đây là nơi tiếp nhận thức ăn đầu tiên trong cơ thể. Vì vậy, bệnh tiêu hóa cũng có nguyên nhân chủ yếu ở chế độ ăn, lối sinh hoạt và một số nguyên nhân dưới đây.

  • Chế độ ăn và lối sống

Nhiều người phương Tây hay gặp bệnh lý túi thừa do chế độ ăn ít chất xơ nhưng nhiều ngũ cốc đã tinh chế, kém chất xơ và vitamin. Người béo phí hoặc ăn quá nhiều chất béo dễ gặp sỏi mật. Người tiêu thụ nhiều chất kích thích, bia rượu, đồ uống có cồn chắc chắn sẽ có dạ dày không khỏe.

Một cuộc sống đầy căng thẳng, không ngủ đủ giấc, ít vận động sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa, trao đổi chất. Một sốngười áp dụng ăn kiêng tiêu cực như: nhịn ăn, uống nước chanh nhiều...cũng sẽ khiến hệ tiêu hóa "mệt mỏi". Những người có thói quen ăn nhanh, ăn quá no hay nằm ngay sau khi ăn cũng thường mắc bệnh về dạ dày.

  • Độ tuổi

Tùy theo độ tuổi, con người sẽ có thói quen sống và sức khỏe thay đổi. Các bệnh loét dạ dày hay gặp ở người trẻ tuổi từ 15 - 30 tuổi. Càng lớn tuổi, hệ tiêu hóa cũng kém đi theo sự lão hóa của cơ thể. Nhu động dạ dày và ruột giảm, khả năng hấp thu thức ăn và tiêu hóa các chất cũng bị giảm nhiều ở người cao tuổi. Ở người già hay có hiện tượng táo bón, bệnh lý túi thừa. Hội chứng ruột kích thích thường gặp ở độ tuổi 15 - 40 tuổi.

Trong khi đó, ở người cao tuổi có nhiều biến đổi như giảm khối lượng dạ dày, chứa được ít thức ăn, ruột có hiện tượng teo nhỏ, số lượng cũng như hoạt lực của các men tiêu hóa giảm, vị toan tiết ra chỉ bằng 40-50% ở người trẻ tuổi. Nhu động dạ dày và ruột giảm, khả năng hấp thu thức ăn và tiêu hóa các chất cũng bị giảm nhiều hoặc cơ thành bụng và các dây chằng giữa các phủ tạng bị suy yếu.

  • Giới tính

Nam giới thường mắc viêm loét dạ dày hơn nữ giới. Nguyên nhân có thể bởi nam giới thường uống nhiều rượu bia hơn nữ giới. Bệnh sỏi mật do ăn nhiều chất béo lại thường gặp ở nữ giới. Phụ nữ lại có tỷ lệ mắc hội chứng ruột kích thích cao gấp hai lần hơn đàn ông. Rối loạn tiêu hoá gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em và người cao tuổi.

  • Tiền sử y khoa gia đình

Một số rối loạn về tiêu hóa cũng có tính di truyền. Theo TS. Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cho biết "Trong số ít bệnh ung thư có tính di truyền phải kể đến ung thư đại trực tràng. Nếu phát hiện có người thân mắc các bệnh lý tiêu hóa di truyền, người nhà nên thực hiện xét nghiệm sớm.

Các bệnh lý tiêu hóa thường gặp

Một số bệnh lý tiêu hóa phổ biến nhất là khó tiêu; táo bón, có nhiều cách để điều trị và phòng ngừa. Nhiều rối loạn tiêu hóa có thể được can thiệp nhờ thay đổi thói quen sống.

Chứng khó tiêu

Khi gặp chứng khó tiêu, người bệnh sẽ cảm thấy đau và khó chịu ở bụng trên. Triệu chứng ngày khởi phát sau khi ăn. Nguyên nhân chứng khó tiêu phổ biến là bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Trong 50% các trường hợp khó tiêu đầy hơi do giảm khả năng co bóp đưa thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Ngoài ra còn một số nguyên nhân: bệnh tiêu hóa khác, thói quen ăn nhanh, căng thẳng...

Lời khuyên để cải thiện và phòng ngừa bệnh lý này tránh các thức ăn kích thích dạ dày như cay, nóng, nhiều gia vị. Khi ăn, nên ăn chậm nhai kỹ; không uống nước trước khi ăn; chia nhỏ bữa ăn; hạn chế chất béo.

Chứng táo bón

Táo bón là tình trạng phân thải ra không thường xuyên, phân khô cứng và nhỏ, đại tiện khó và đau. Nguyên nhân phổ biến nhất là do chế độ ăn nhiều chất béo; đường mà lại nghèo chất xơ từ rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên cám. Bên cạnh đó, người lớn tuổi nhu động ruột kém cũng khiến táo bón.

Cách tốt nhất để cải thiện là ăn chất xơ nhiều hơn, uống thêm nước, tăng cường thể dục thể thao để kích thích hoạt động của ruột. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bổ sung thêm magie từ các thực phẩm: khoai lang, rau đay, cải bó xôi, đu đủ xanh. Magie giúp làm mềm chất thải cải thiện tình trạng táo bón.

Tiêu chảy

Tiêu chảy là hiện tượng đi đại tiện với phân lỏng, nhiều nước; thường do nhiễm khuẩn đường ruột. Nguồn gây nhiễm khuẩn thường từ thức ăn mất vệ sinh hoặc nguồn nước ô nhiễm. Khi bị táo bón trong thời gian ngắn, không nên ăn nhiều chất xơ. Nếu bị thời gian dài thì tăng cường bổ sung chất xơ hòa tan. Ngoài ra, nước ép củ nghệ pha loãng theo tỷ lệ: 1 muỗng cà phê nước củ nghệ tươi - 1 ly nước lọc cũng chữa tiêu chảy hiệu quả. Người bị tiêu chảy cần liên tục bổ sung nước lọc hoặc oresol (nước biển khô) để phòng mất nước.

Để phòng tránh, cần giữ vệ sinh cá nhân và nơi ở, đặc biệt là nhà vệ sinh và nơi chế biến thức ăn. Các loại thịt, cá sống không được khuyến khích cho đường ruột. "Ăn chín uống sôi" là lời khuyên phổ biến và hiệu quả để phòng bệnh tiêu hóa.

Hội chứng ruột kích thích

Ở những người bị hội chứng ruột kích thích (IBS), ruột kết (phần chính ruột già) nhạy cảm một cách bất thường với các kích thích: đầy hơi trong bụng; căng thẳng; ăn nhiều thực phẩm béo hoặc xơ; thức ăn chứa caffein; bia rượu. Các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, đau quặn và tiêu chảy sẽ xuất hiện sau khi ăn. Ngoài ra, người mắc IBS cũng gặp thay đổi trong đại tiện như: đi không đều; tiêu chảy bất thường;...

Để giảm các triệu chứng ruột kích thích, bạn cần chú ý liệt kê các thực phẩm gây khó chịu và loại bỏ. Khi phát hiện cơ thể bị hội chứng IBS, bạn cần thiết lập chế độ ăn ít chất béo và không có caffeein. Bên cạnh đó, căng thẳng và lo lắng cũng khiến tình trạng ruột kích thích trầm trọng hơn. Bạn cần nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục mỗi ngày để kích thích cơn co bóp của ruột.

Hội chứng trào ngược dạ dày

Hội chứng này do sự trào ngược dịch vị chứa axit trong dạ dày vào thực quản, gây đau tức vùng ngực. Dịch dạ dày kích thích thực quản, gây viêm và đau. Để phòng ngừa và giảm nhẹ hội chứng này, người bệnh cần hạn chế uống nước trong lúc ăn; ăn nhiều chất xơ; ăn thức ăn mềm và lượng vừa phải. Các thực phẩm nên hạn chế: thực phẩm nhiều chất béo; trái cây họ cam quýt; món ăn nhiều gia vị; đồ uống có gas. Người mắc chứng ruột kích thích không nên nằm ngay sau khi ăn; nên ăn trước khi ngủ 2 - 3 tiếng và thường xuyên rèn luyện thể thao.

Loét dạ dày - tá tràng

Bệnh lý loét dạ dày - tá tràng xảy ra khi thành dạ dày và tá tràng (đầu ruột non) bị tổn thương. Để điều trị, cần giảm lượng axit trong dạ dày. Bệnh lý này thường có liên quan đến vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - được cho rằng có thể gây ung thư dạ dày nếu không được điều trị. Nhiễm khuẩn HP báo động môi trường sống không vệ sinh. Vi khuẩn HP làm giảm hiệu quả chất nhầy bảo vệ dạ dày, ăn mòn niêm mạc dẫn đến loét.

  • Ngoài điều trị bằng thuốc, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc ăn uống:

  • Ăn đủ 3 bữa, tránh ăn thức ăn nhiều chất béo, hoặc thực phẩm gây khó chịu khác (tùy từng người)

  • Tránh ăn trước khi ngủ, vì triệu chứng thường xảy ra ban đêm

  • Hạn chế caffeine bằng cách giảm cà phê, trà, ca cao...

  • Hạn chế rượu bia, đồ uống có cồn

  • Không hút thuốc chủ động và hít khói thuốc thụ động

Hội chứng bất dung nạp lactose

Hiện tượng này biểu hiện ở việc cơ thể không tiêu hóa được lactose - một loại đường sữa tự nhiên có trong sữa. Nguyên nhân gây bệnh này là cơ thể thiếu enzyme lactase và lactose khi nạp vào không được tiêu hóa và bị lên men. Từ đó gây các triệu chứng như đầy bụng, đau quặn, tiêu chảy và nôn mửa. Bệnh không có phương pháp điều trị nào có thể cải thiện khả năng sản xuất men lactase của cơ thể. Song người bệnh có thể cải thiện và kiểm soát bằng cách thay đổi chế độ ăn.

Chế độ ăn khuyến cáo cho người gặp hội chứng này là hạn chế hoặc tránh dùng sữa hoặc chế phẩm từ sữa. Hãy chuyển sang uống sữa đậu nàng - không có lactose mà vẫn nhiều dinh dưỡng. Khi mua các thực phẩm ăn liền, nên đọc kỹ thành phần để tránh các lactose "giấu mặt". Người bệnh nên bổ sung thêm canxi bằng các thực phẩm như: tôm; cua; sò, cá hộp (ăn cả xương); rau xanh đậm hoặc dùng canxi bổ sung vì không thể dùng sữa.

Nguồn tham khảo:

Tài liệu Thực phẩm khéo dùng nên thuốc (Lisa Hark, PhD & Darwin Deen)

Báo điện tử suckhoedoisong.vn; website Bệnh viện Bạch Mai.

 


“Phano Pharmacy – Lời khuyên đúng”

Đúng thuốc – Đúng liều – Đúng cách

Dược sĩ tư vấn thuốc: 1800 6768

Mua hàng trực tuyến: http://phanolink.com

Đăng ký hội viên: https://phanolink.com/dang-ky-hoi-vien/

 

Facebook Youtube Zalo Top