Giỏ hàng

Bệnh lý vùng miệng - họng thường gặp ở trẻ em

Bệnh lý vùng miệng - họng ở trẻ em có nhiều nguyên nhân. Đa số trẻ chưa biết cách giữ vệ sinh vùng miệng - họng, dễ đưa vi khuẩn vào bên trong gây ra các bệnh lý viêm nhiễm. Nắm rõ các biểu hiện bệnh và các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp các bậc phụ huynh dễ dàng chăm sóc vùng miệng - họng cho trẻ. Dưới đây là những bệnh lý miệng họng thường gặp ở trẻ nhỏ.

Viêm loét miệng

Viêm loét miệng rất dễ nhận biết. Bệnh thường gây ra các triệu chứng đau miệng, quấy khóc, khó ngủ, bỏ ăn uống ở trẻ nhỏ khiến phụ huynh lo lắng. Vết loét thường có hình tròn hay hình bầu dục. Ở trung tâm vết loét có màu trắng xám hay vàng nhạt. Viền xung quanh vết loét khá rõ nét có màu đỏ tấy do viêm. Các vết này tạo cảm giác đau rát khi chạm vào, đặc biệt khi tiếp xúc thức ăn.

Ở trẻ nhỏ khi xuất hiện các vết loét miệng, phụ huynh cần lưu ý thăm khám bệnh tay chân miệng. Đây là một bệnh lây lan qua đường phân-miệng thường biểu hiện bằng những vết loét trong niêm mạc miệng và có thể gây tử vong cho trẻ.

Có thể dựa vào một số điểm sau đây để phân biệt bệnh tay chân miệng:

  • Bệnh xảy ra thành dịch, nhiều trẻ tiếp xúc gần đều bị

  • Vết loét xuất hiện ở tay, chân và nhiều vết loét trong miệng

  • Nhiều trường hợp tay chân miệng còn có những vết hồng ban, bóng nước nằm trên thân người tập trung nhiều ở lòng bàn tay, chân, mông, gối.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây loét miệng thường do tổn thương niêm mạc  miệng. Trẻ vô ý cắn vào môi hay mặt trong của gò má; ăn nhiều đồ cứng gây trầy xước; dùng bàn chải cứng để vệ sinh răng miệng...Một số trẻ ăn thức ăn quá nóng gây bỏng, bong tróc niêm mạc dẫn đến viêm. Nguyên nhân khác là do trẻ thiếu các chất cần thiết: vitamin B12, vitamin C, chất sắt và acid folic.

Viêm họng cấp

Bệnh thường xảy ra ở thời điểm giao mùa, điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Nếu không điều trị tích cực, viêm họng cấp có thể biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng nguy hiểm có thể gặp: viêm phổi, viêm màng não, viêm cầu thận, viêm màng tim cấp...

Biểu hiện thường gặp khi trẻ mắc viêm họng cấp:

  • Nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi

  • Đau họng, ho khan, ho có đờm

  • Sốt nhẹ (<39 độ C) hoặc sốt cao (39 – 40 độ C)

  • Khó chịu, quấy khóc, khó ngủ, biếng ăn

  • Ói mửa, đi đại tiện phân lỏng

Nguyên nhân viêm họng cấp

  • Do môi trường: thời tiết giao mùa thay đổi nhiệt độ, độ ẩm; ô nhiễm khói bụi; thay đổi môi trường sống; trẻ thay đổi chế độ ăn hoặc cai sữa...

  • Nhiễm vi khuẩn, virus, nấm: hầu hết viêm họng cấp ở trẻ do virus gây ra như virus cúm, sởi...Trường hợp nhiễm do vi khuẩn ít gặp. Trẻ nhiễm nấm Candida cũng có thể mắc bệnh này.

Viêm Amidan

Viêm amidan thường gặp ở nhiều đối tượng, phổ biến ở trẻ em. Amidan nằm ở phía sau của cổ họng, nơi được cho là vị trí giao nhau giữa đường ăn và đường thở. Chức năng chính và cũng là quan trọng nhất của amidan đó chính là ngăn chặn lại sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn đối với cơ thể. Trong một số trường hợp, amidan không thể kháng cự lại sự tấn công vi khuẩn và dẫn đến sưng viêm, gọi là viêm amidan.

Viêm amidan có hai cấp độ: cấp tính và mãn tính. Viêm amidan cấp tính xảy ra khi 2 khối amidan bị nhiễm vi-rút hoặc vi khuẩn. Đây là căn bệnh khiến đau họng, amidan sưng đỏ, gây cảm giác đau đớn rất khó chịu. Tuy nhiên, viêm cấp tính sẽ hết sau một vài tuần. Trẻ em thường mắc viêm amidan cấp tính. Tình trạng viêm mãn tính là khi amidan bị viêm tái lại nhiều lần.

Nguyên nhân viêm amidan

  • Nhiễm vi khuẩn: Thời gian giao mùa và thời tiết lạnh là lúc đường hô hấp dễ bị nhiễm khuẩn và amidan.

  • Do vị trí amidan: nằm ở nơi tiếp xúc giữa đường thở và đường ăn, dễ tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh kích thích các vi khuẩn ở vùng này

  • Vệ sinh răng miệng không đúng cách: nếu thực hiện không đúng cách, không khoa học cũng sẽ phản tác dụng và gây nên nhiều chứng bệnh trong đó có bệnh viêm amidan

  • Môi trường ô nhiễm: môi trường sinh hoạt nhiều bụi bẩn và ô nhiễm cũng dễ mắc các bệnh về hô hấp, miệng họng như amidan

Viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên cũng là bệnh lý vùng  miệng - họng thường gặp ở trẻ nhỏ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, các bệnh viêm đường hô hấp trên như cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi… gây ra 10 triệu ca tử vong hàng năm. Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản. Hệ hô hấp trên chính là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với mọi điều kiện bất lợi từ môi trường, kể cả vi khuẩn, nấm mốc… do đó cơ quan này vô cùng nhạy cảm và dễ mắc bệnh.

Triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên thường rất đa dạng:

  • Sốt: trẻ bị sốt, thân nhiệt có thể tăng cao 39-40 độ C, kèm theo các dấu hiệu như viêm kết mạc, ngứa, đau mắt, chảy nước mắt…

  • Ho: thông thường ho thường xuất hiện từng cơn, ho khan có đờm hoặc không đờm

  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau cổ họng, mệt mỏi chán ăn

  • Khó thở: Đây là triệu chứng ít gặp. Một khi đã gặp thì bệnh đã có dấu hiệu trở nặng, nếu không chữa trị tốt

  • Một số trẻ em bị viêm hô hấp trên mãn tính kéo dài do trực khuẩn, có chất nhầy màu xanh ở mũi, trường hợp gây viêm xoang thường kèm theo triệu chứng đau đầu.

Trẻ bị nhiễm bệnh đường hô hấp trên nếu không điều trị kịp thời rất dễ dẫn tới viêm đường hô hấp dưới với những triệu chứng như: khó thở; thở nhanh; thở rít; viêm phế quản; viêm phổi.

Nguyên nhân viêm hô hấp trên

  • Virus, vi khuẩn, nấm mốc, bụi, khí độc: có thể kể đến là liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, một số loại nấm…

  • Tình trạng sức khỏe: Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng, hoặc người bị suy giảm miễn dịch.

  • Môi trường sống:môi trường ẩm thấp, kém vệ sinh, nằm điều hòa nhiệt độ thấp khiến mũi họng thường bị khô dẫn đến viêm, nguy cơ mắc bệnh càng tăng cao hơn khi thời tiết chuyển lạnh.

Nguồn tham khảo:

Tuổi Trẻ Online

Hội Tai Mũi Họng Việt Nam

Bệnh viện Quốc tế Vinmec

Trung tâm Tiêm chủng VNCC

 


“Phano Pharmacy – Lời khuyên đúng”

Đúng thuốc – Đúng liều – Đúng cách

Dược sĩ tư vấn thuốc: 1800 6768

Mua hàng trực tuyến: http://phanolink.com

Đăng ký hội viên: https://phanolink.com/dang-ky-hoi-vien/

 

 

Facebook Youtube Zalo Top